Được dân làng gốm Bát Tràng giới thiệu nghệ nhân gốm sứ Đông Dương Phạm Văn Ẩm là người rất nổi tiếng làm gốm cống phẩm cho triều đình những năm nửa đầu thế kỷ XX. Chúng tôi lần theo các ngõ hẻm rộng chừng 1m tới nhà cố nghệ nhân thì gặp một bà cụ tóc đã bạc phơ đang quét dọn ngoài cổng. Biết chúng tôi tới tham quan, bà cụ liền mời chúng tôi vào nhà. Vừa đi bà tự giới thiệu là Vũ Thị Uyên – cháu dâu đời thứ 3 của cố nghệ nhân Phạm Văn Ẩm (1887 – 1955), sinh ra và lớn lên tại làng gốm cổ truyền Bát Tràng.
Khi bước vào nhà tôi rất ngạc nhiên trước một ngôi nhà cổ kính, ngăn nắp, gọn gàng và đặc biệt toàn bộ không gian ngôi nhà như một bảo tàng nhỏ. Chưa để tôi hết ngạc nhiên, bà cụ đã giới thiệu ngay căn nhà là tổng hợp ba mảnh đất lớn của cụ xây dựng 1933.
Tôi chưa kịp hỏi, bà đã nói cụ tổ bà là một nghệ nhân gốm sứ rất điêu luyện trong làng. Năm 1943, ông có tham gia đấu sảo ở Đông Dương và đạt được giải nhất, trở thành nghệ nhân gốm sứ Đông Dương. Vừa kể, bà vừa chỉ tay vào di ảnh và tấm bằng nghệ nhân Đông Dương đầy tự hào.
Hình 1. Bà Uyên vừa nói vừa giơ tay giới thiệu di ảnh và tấm bằng nghệ nhân gốm sứ Đông Dương của cổ nghệ nhân P.V.Â
Bà tiếp tục giới thiệu về các kỷ vật của cố nghệ nhân trong không gian bảo tàng của gia đình bà. Đó là các sản phẩm nghệ thuật mà do chính tay cố nghệ nhân đã làm ra bằng phương pháp thủ công. Tiêu biểu nhất, là cái “Lư gốm”. Đây là một trong hai cái Lư ông làm tiến vua nhưng do cái này bị nứt ở quai ( đuôi con rết) nên ông giữ lại làm kỷ niệm còn hai cái lành ông tiến vua và hiện tại vẫn đang ở trong Cung đình Huế – bà kể.
Hình 2. Chiếc Lư của cố nghệ nhân Phạm Văn Ẩm tiến vua
Trên đỉnh cái “Lư” có hai cái quai hình con rết rất đẹp. Ở bề mặt ngoài, điểm đặc biệt là có hình ảnh con Rồng – linh vật biểu tượng cho thiên tử, được chạm khắc nổi rất tinh xảo. Mặt bên kia chính là hình ảnh cây cối, hoa, lá biểu tượng cho quang cảnh cuộc sống của làng quê, đất nước ta – mang ý nghĩa nền văn hóa nông nghiệp của đất nước. Dưới mỗi chân chiếc Lư này đó là hình khắc họa con “Nghê”- một biểu tượng linh vật của Việt Nam rất độc đáo.
Ngoài ra còn rất nhiều các sản phẩm nghệ thuật của nghệ nhân như: bát, chén, đĩa… được làm rất tinh tế và thường cho quan lại trong triều đình.
Bà Uyên cũng không quên giới thiệu cho chúng tôi về nơi cố nghệ nhân đã từng tạo ra những tác phẩm. Đó là nơi lọc đất để làm gốm của gia đình cố nghệ nhân từ xưa. Mỗi khi đất được chuyển từ các mỏ Hải Dương, Quảng Ninh qua con đường sông Cái về làng là cụ thường mang ra lọc thật kỹ trước khi mang vào sử dụng.
Hình 3. Nơi cố nghệ nhân Phạm Văn Ẩm lọc đất làm gốm
Khi được hỏi làm sao bà có thể giữ trọn vẹn những tác phẩm cũng như kỷ vật của cố nghệ nhân, bà cho biết: “Con người ăn ở phải có trước có sau, con người phải độc lập tự chủ, không phụ thuộc vào ai, không phụ thuộc đồng tiền”. Với tâm nguyện và lòng hiếu nghĩa bà muốn gìn giữ, bảo tồn những giá trị của ông cha để lại, lưu truyền cho các thế hệ đời sau biết, bảo vệ và phát huy làng nghề truyền thống. Bà nói thêm vào thời kỳ đấu tố ruộng đất, tư sản nhiều gia đình khác sợ bị kết vào tư sản nên đã không giám giữ những sản phẩm gốm cổ đó còn gia đình bà là gia đình cách mạng, có công và gìn giữ chính đáng.
Ở làng gốm cổ truyền Bát Tràng có khoảng 23 dòng họ lớn làm nghề gốm, hiện nay chỉ còn 19 mà mỗi dòng họ lại có một nhà thờ riêng. Điều đáng nói là không phải dòng họ nào cũng có những nghệ nhân gốm sứ được nhà nước sắc phong nghệ nhân gốm sứ của dân tộc và được gìn giữ, bảo tồn cho tới ngày nay. Với xu thế hiện nay, nhiều nhà vẫn làm nghề nhưng chỉ là buôn bán nhỏ, sản phẩm mang tính công nghiệp được sản xuất bằng máy móc dần dần mất đi những bàn tay khéo léo làm nên những kiệt tác tinh xảo. Phải chăng cần có một chiến lược, chính sách phát triển nghề gốm cổ truyền để bảo tồn phát huy hơn nữa thương hiệu mang tầm quốc tế hay để cho nó phát triển tự nhiên như bình thường hiện nay?
Nguồn: Báo mạng